Di sản thừa kế có thể được chia theo di chúc hoặc trường hợp không có di chúc, di chúc không hợp pháp thì di sản sẽ được chia theo pháp luật cho hàng thừa kế. Việc xác định hàng thừa kế rất quan trọng, có ý nghĩa xác định người đó có được hưởng di sản hay không. Vậy việc xác định hàng thừa kế được pháp luật quy định như thế nào và những hàng thừa kế sau có được hưởng di sản thừa kế khi hàng thừa kế thứ nhất không có?
Do đó, nếu bạn hoặc gia đình của mình đang gặp phải vấn đề trên và mong muốn được giải đáp cụ thể thì bạn có thể liên hệ với Luật sư của Công ty Luật Đạt Điền để được tư vấn cụ thể.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo trường hợp chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức pháp lý trong lĩnh vực này.
Câu hỏi:
Tôi muốn được tư vấn về luật thừa kế về tài sản không di chúc của ông bà nội để lại.Tôi xin trình bày: Gia Đình tôi muốn bán nhà của ông bà nội đã mất và chia tài sản cho các con nhà có 5 người con và tôi là cháu ruột của nội. Bố tôi là con ruột của nội nhưng hiện bố đã mất và bố mẹ tôi cũng đã ly hôn. Xin hỏi luật sư tôi là con của bố người đã mất thì có được thừa hưởng tài sản từ bà nội không? quy định pháp luật thế nào. Mong luật sư tư vấn giúp tôi ! Tôi xin chân thành cảm ơn
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Đạt Điền. Với trường hợp của bạn, công ty tư vấn như sau:
Theo quy định tại điều 650 Bộ luật dân sự 2015 thì trong trường hợp người chết không để lại di chúc thì di sản của người đó sẽ được chia theo quy định của pháp luật.
Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự sẽ được thừa hưởng di sản theo quy định của pháp luật.
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, tài sản của ông, bà bạn sẽ được để lại thừa kế cho các con của ông bà (những người còn sống tại thời điểm ông, bà mất). Bạn thuộc hàng thừa kế thứ hai, khi những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất còn sống tại thời điểm ông bà bạn mất thì bạn không được hưởng thừa kế từ di sản của ông bà. Di sản của ông bà sẽ được chia đều cho các con của ông, bà (trong đó có bố bạn).
Phần tài sản bố bạn được hưởng thừa kế từ ông bà sẽ là tài sản thuộc sở hữu của bố bạn. Khi bố bạn mất, nó sẽ được tính vào di sản thừa kế của bố bạn. Lúc này, bạn sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên bạn, mẹ bạn cùng anh chị em ruột của bạn (nếu có) sẽ được hưởng mỗi người một phần bằng nhau phần tài sản thuộc di sản của bố bạn.
Tuy nhiên, nếu bố bạn mất trước bà bạn thì quy định về thừa kế thế vị tại Điều 652 – Bộ luật Dân sự 2015 sẽ được áp dụng:
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Như vậy, trong trường hợp bố bạn mất trước hoặc cùng thời điểm với ông nội thì di sản thừa kế mà ông để lại cho bố bạn sẽ được bạn hưởng thế vị, khi đó bạn (và anh, chị, em của bạn – những người con của bố) sẽ được hưởng phần thừa kế ngang bằng với các cô, chú, bác (những người ở hàng thừa kế thứ nhất của ông) nếu di sản được chia theo pháp luật. Trường hợp bố bạn mất sau ông nội thì di sản thừa kế bố hưởng từ ông nội được gộp chung vào phần di sản bố bạn để lại và được chia đều cho mẹ, bạn và các anh chị em của bạn nếu bố mất không để lại di chúc.
Câu hỏi:
Xin chào Luật sư, Em xin trình bày như sau. Nội em đang đứng tên 01 căn nhà, giấy chứng nhận quyền sử dụng căn nhà này cũng do nội em đứng tên, nội em có 4 người con, 2 người định cư tại nước ngoài, 02 người ở Việt Nam. Ba em hiện đã ly dị với mẹ em và đã tái hôn, và có 1 đứa con trai với người vợ sau, đứa con còn rất nhỏ và người vợ sau có ý định sẽ bán căn nhà này vì ko muốn cho em về. Em và mẹ em vẫn còn tên trong hộ khẩu căn nhà này. Ba em muốn ông nội chuyển quyền sử dụng căn nhà này cho ba em, để ba em sẽ làm di chúc để lại căn nhà này cho đứa con trai. (Thực tế là ba em gạt nội, nghe lời người vợ sau và muốn hợp thức hóa để bán căn nhà này).
Em xin hỏi Luật sư:1) Trong trường hợp này, em phải làm thế nào để đòi lại quyền lợi cho em? Thủ tục cụ thể như thế nào?). Nếu nội em đã sang tên cho ba em rồi, di chúc ba em đã làm cho đứa con sau hoặc chuyển quyền sử dụng cho người vợ sau em có quyền tranh chấp hay không? Em xin cảm ơn anh/chị Luật sư đã dành thời gian tư vấn cho em. Em xin chúc Anh/Chị Luật sư vui khỏe.
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Đạt Điền, trong trường hợp này chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, việc ông nội bạn đang đứng tên trên căn nhà, giấy chứng nhận quyền sử dụng căn nhà do nội bạn đứng tên. Vì vậy, quyền sử dụng và cho ai căn nhà này hoàn toàn thuộc về ông nội bạn.
Do ba mẹ bạn đã ly hôn, mặc dù mẹ bạn và bạn vẫn đứng tên trong sổ hộ khẩu nhưng không có quyền và nghĩa vụ trong việc sử dụng ngôi nhà này. Bởi việc có tên trong sổ hộ khẩu chỉ có ý nghĩa quản lí hành chính về cư trú chứ không ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản. Vì vậy, bạn không có quyền đòi lại căn nhà trên.
Thứ hai, nếu nội bạn đã sang tên cho ba bạn rồi, di chúc ba bạn đã làm cho đứa con sau hoặc chuyển quyền sử dụng cho người vợ sau thì bạn không có quyền tranh chấp.
Điều 127 Bộ luật dân sự 2015 quy định Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép
“Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.”
Hơn nữa, nếu như bạn có đủ điều kiện để xác minh được việc ông nội chuyển quyền sử dụng căn nhà này cho bố bạn để bố bạn để lại căn nhà này cho con trai nhưng trên thực tế là ba bạn gạt nội, nghe lời vợ sau và muốn hợp thức hóa để bán căn nhà, thì hợp đồng chuyển quyền sử dụng trên có thể bị vô hiệu do bị lừa dối ( khoản 1, điều 407 Bộ luật Dân sự năm 2015 ). Từ đó, bạn có thể hướng dẫn cho ông nội thực hiện quyền khởi kiện tới TAND tuyên vô hiệu hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đât và tài sản gắn liền với đất. Và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu không làm phát sinh hiệu lực, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm giao kết hợp đồng; hai bên trả lại cho nhau những gì đã nhận, khôi phục lại tình trạng ban đầu (theo quy định tại điều 131 BLDS 2015).