Văn phòng luật sư uy tín Bình Tân: Điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình để trở thành Luật sư tại Việt Nam

Posted on Tháng 01 03, 2025 by admin

ĐOÀN LUẬT SƯ TPHCM- VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ĐẠT ĐIỀN 24H

Quá trình hình thành và phát triển đoàn luật sư ở Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh

I. SÀI GÒN: CÁI NÔI CỦA NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM

1. Ngày 26-11-1867, Thống đốc Nam Kỳ De La Grandière ban hành Nghị định về việc hành nghề bào chữa trước các Tòa án Pháp. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên về nghề luật sư được chính quyền thực dân ban hành ở xứ “Nam Kỳ thuộc Pháp”. Người hành nghề bào chữa lúc đó gọi là “biện hộ viên” (Défenseur); sau (từ 1884) gọi là “luật sư biện hộ” (Avocat défenseur).

2. Sau khi thôn tính cả nước Việt Nam (1883-1884), năm 1887 Pháp thành lập Liên bang Đông Dương, gồm thuộc địa Nam Kỳ và 3 xứ bảo hộ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Cao Miên (Cambodge)). Sau có thêm Lào (1899) và Quảng Châu Loan (1900).

Đến năm 1911, có một cuộc cải tiến quan trọng theo Sắc lệnh ngày 30-1-1911, các luật sư bào chữa ở Đông Dương được lập thành hai danh biểu: một danh biểu ở Sài Gòn bào chữa tại các tòa án ở Nam Kỳ và Cao Miên (Campuchia); một danh biểu ở Hà Nội bào chữa tại các tòa án ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ.

Trong thời kỳ này, chỉ có một vài luật sư Đông Dương người Việt đã vào Pháp tịch. Ở Luật sư đoàn Tòa Thượng thẩm Sài Gòn có các luật sư người Việt quốc tịch Pháp như: Luật sư Phan Văn Trường (1876-1933), Luật sư Trịnh Đình Thảo (1901-1986), Luật sư Bùi Thị Cẩm (1912-?)… Các luật sư này đều học luật và đỗ bằng Tiến sĩ Luật ở Pháp.

Qua lịch sử nghề nghiệp, có thể nói Luật sư Phan Văn Trường là nam luật sư đầu tiên, Luật sư Bùi Thị Cẩm là nữ luật sư đầu tiên người Việt Nam, cả hai luật sư tiền bối này lúc đó là thành viên của Luật sư đoàn Tòa Thượng thẩm Sài Gòn.

3. Đến năm 1931, do Sắc lệnh ngày 25-5-1930 được sửa đổi, bổ sung bởi Sắc lệnh ngày 21-7-1931, có cuộc cải tổ quan trọng nhất: danh hiệu “luật sư bào chữa” được rút gọn thành “luật sư” (Avocat), xã hội vẫn thường gọi là “trạng sư”; ngoài những công dân Pháp, người Đông Dương cũng được phép làm luật sư.

Quy chế này được áp dụng tới ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trong giai đoạn này, số lượng luật sư người Việt tăng lên đáng kể, dần dần chiếm đa số trong Luật sư đoàn Tòa Thượng thẩm Sài Gòn. Các luật sư có tên tuổi nổi tiếng ở Sài Gòn thời kỳ này có thể kể đến là: Phan Văn Trường (1876-1933), Trịnh Đình Thảo (1901-1986), Nguyễn Hữu Thọ (1910-1996), Phạm Văn Bạch (1910-1986), Phạm Ngọc Thuần (1914-2002), Bùi Thị Cẩm (1912-?), Trần Công Tường (1915-1991), Nguyễn Thành Vĩnh (1904-1995), Thái Văn Lung (1916-1946), Vương Quang Nhường (1902- 1963), Nguyễn Văn Huyền (1913-1995), Trần Ngọc Liễng (1923-2011)…

Sau khi Việt Nam giành được độc lập, thống nhất nước nhà, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ vốn hành nghề ở Sài Gòn và các tỉnh miền Tây vào những năm 30 trước Cách mạng Tháng Tám 1945, đã tham gia lãnh đạo đấu tranh giải phóng dân tộc và trở thành Quyền Chủ tịch nước (1980-1981), Chủ tịch Quốc hội (1981-1987), Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1987-2002) nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

II. SAU CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945, LUẬT SƯ SÀI GÒN THAM GIA KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP TRỞ LẠI

1. Hơn một tháng sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 10-10-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 46 tổ chức đoàn thể luật sư. Theo đó, các tổ chức luật sư cũ được duy trì với một số điểm sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới. Do điều kiện lúc bấy giờ, số lượng luật sư ở nước ta, cả trong Nam ngoài Bắc, đều rất ít.

2. Thực tế ở Sài Gòn lúc đó, Việt Minh giành được chính quyền chỉ có 28 ngày thì phải tiến hành cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp trở lại tái chiếm Đông Dương. Một số trí thức đang hành nghề luật sư ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Kỳ, từ đấu tranh yêu nước đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng hành cùng lịch sử tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang và chính trị kéo dài suốt 9 năm (1945-1954). Trong hàng ngũ kháng chiến, các luật sư đã được bố trí sử dụng vào những chức vụ quan trọng như: Luật sư Phạm Văn Bạch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Nam Bộ, Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ; Luật sư Phạm Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch có thời kỳ giữ Quyền Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ, kiêm nhiệm Chính trị Ủy viên Bộ Tư lệnh Nam Bộ phụ trách 3 quân khu 7, 8 và 9; Luật sư Trương Tấn Phát, Giám đốc Sở Tư pháp; Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Sở Tài chánh; Luật sư Lê Đình Chi, Trưởng phòng Quân pháp Bộ Tư lệnh Nam Bộ; Luật sư Thái Văn Lung, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chánh quận Thủ Đức, v.v..

III. LUẬT SƯ SÀI GÒN DƯỚI CHẾ ĐỘ CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN

Sau Hiệp định Genève năm 1954 đến tháng 4 năm 1975, đất nước tạm phân chia thành hai miền Nam – Bắc. Miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa có hai quy chế luật sư lần lượt được ban hành: Quy chế theo Luật số 1/62 ngày 8-1-1962 thời Tổng thống Ngô Đình Diệm và quy chế theo Sắc luật số 025/66 ngày 7-7-1966 thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Văn phòng Luật sư đoàn Sài Gòn đặt trong trụ sở Tòa Thượng thẩm Sài Gòn (số 131 đường Công lý, nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa)..

IV. BÀO CHỮA VIÊN NHÂN DÂN VÀ LUẬT SƯ Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỪ SAU NGÀY 30-4-1975 ĐẾN NAY

1. Tổ chức bào chữa viên nhân dân được thành lập trong suốt 10 năm đầu ở Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày 30-4-1975

Sau ngày giải phóng miền Nam 30-4-1975, Sài Gòn được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cho thực hiện và triển khai tổ chức bào chữa viên nhân dân theo Thông tư số 06/BTP-TT ngày 11-6-1976 của Bộ Tư pháp.

Theo đó, lúc này, ở Thành phố Hồ Chí Minh thiết lập một Phòng Bào chữa viên, đặt tại địa chỉ 97 Nguyễn Thị Minh Khai (nay là đường Pasteur) quận 1.

Những bào chữa viên đầu tiên công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh là những cán bộ công chức nhà nước

Ngày 31-10-1983, Bộ Tư pháp ra Thông tư số 691/QLTPK hướng dẫn kiện toàn tổ chức bào chữa. Thực hiện Thông tư này, Ủy Ban Nhân Dân thành phố ra quyết định thành lập Đoàn bào chữa viên nhân dân với 28 người, gồm những bào chữa viên đã tham gia hoạt động này từ ngày mới giải phóng và bổ sung thêm một số thành viên mới đã dự xong lớp bồi dưỡng pháp lý xã hội chủ nghĩa do Bộ Tư pháp tổ chức dành cho các trí thức ngành luật cũ ở miền Nam.

2. Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh ra đời ngày 24-10-1989

Ngày 18-12-1987, Hội đồng Nhà nước đã thông qua Pháp lệnh Tổ chức luật sư.

Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đã được Ủy Ban Nhân Dân Thành phố ra Quyết định số 633, 634 và 635/QĐ-UB cùng ngày 24-10-1989 thành lập, với nhân sự gồm 68 thành viên (28 luật sư và 40 luật sư tập sự).

Từ lúc mới thành lập, trụ sở Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đặt tại số 104 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1.

3. Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh phát triển từng bước theo Pháp lệnh Luật sư năm 2001, Luật Luật sư năm 2006 và Luật Luật sư sửa đổi, bổ sung năm 2012

Đến nay, đã trải qua hơn 25 năm với 6 nhiệm kỳ Ban Chủ nhiệm lần lượt kế tiếp nhau: nhiệm kỳ I (1995-1998), nhiệm kỳ II (1998-2002), nhiệm kỳ III (2002-2005), nhiệm kỳ IV (2005-2008), nhiệm kỳ V (2008-2013).  Đại hội Đại biểu Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ VI, nhiệm kỳ VI (2013-2018) đã được  triệu tập trong 2 ngày 12 và 13-10-2014, tại Hội trường Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, với gần 600 luật sư đại diện cho 3.786 luật sư thành viên tham dự, đã bầu ra Ban Chủ nhiệm nhiệm kỳ VI với 15 thành viên và Hội đồng Khen thưởng – kỷ luật nhiệm kỳ VI gồm 9 thành viên.

Trong chức năng xã hội, tham gia các hoạt động ngoài dịch vụ pháp lý, một số luật sư của Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (1989-2015) đã từng là Đại biểu Quốc hội, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố, quận, phường… Một số luật sư đã và đang là thành viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ và Thường trực Liên đoàn luật sư Việt Nam, Ban chấp hành Hội Luật gia Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Khoa học – kỹ thuật Thành phố, Hội Luật gia Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, Hội Bảo trợ trẻ em Thành phố, Hiệp hội Bất động sản Thành phố…

Về hoạt động ngoại giao nhân dân và hội nhập quốc tế, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua đã có quan hệ với nhiều Đoàn luật sư nước ngoài và các tổ chức luật sư quốc tế. Đoàn đã tổ chức thành công hai sự kiện lớn về hợp tác  quốc tế về luật sư: Hội nghị các Chủ tịch Đoàn luật sư châu Á POLA (The Presidents of Law Association in ASIA) năm 2008 và Hội nghị thường niên Hội Luật châu Á – Thái Bình Dương LAWASIA (The Law Association for Asia and the Pacific) lần thứ 22 năm 2009.

Hiện nay, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng luật sư chiếm tỷ lệ trên 40% tổng số luật sư của cả nước, trong đó có nhiều luật sư chuyên về thương mại và đầu tư, chẳng những thông thạo tiếng Anh mà còn có thể tranh luận về các vấn đề pháp lý bằng tiếng Anh với các luật sư nước ngoài. Những luật sư trên có khả năng tham gia bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp trong các vụ tranh chấp thương mại quốc tế khi có yêu cầu…

 

Ngày 29-01-2015, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể Lễ Kỷ niệm 25 năm thành lập ĐoànLuật sư thành phố Hồ Chí Minh, với chủ đề  “Truyền thống-Đoàn kết-Phát triển”, quyết tâm xây dựng đội ngũ luật sư “đông đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp”, xứng đáng là Đoàn Luật sư lớn nhất nước, được vinh dự mang tên Thành phố Hồ Chí Minh.

ĐOÀN LUẬT SƯ TPHCM- VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ĐẠT ĐIỀN 24H : 0966 456 678 

 – Để trở thành Luật sư tại Việt Nam, một cá nhân có thể mất một thời gian ít nhất là trên 6 năm (hoặc dài hơn) vì phải hoàn thành các khóa học, chương trình học, tập sự, kiểm tra theo quy định.

Theo quy định tại Điều 10 của Luật Luật sư thì tiêu chuẩn để trở thành luật sư là: “Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư”.

Điều 11 Luật Luật sư quy định về điều kiện hành nghề luật sư, theo đó, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.

Như vậy, để trở thành Luật sư cần các điều kiện cơ bản sau:

Có bằng cử nhân Luật: Tức là cá nhân phải tốt nghiệp trường Luật, khoa Luật của trường Đại học.

Có bằng tốt nghiệp chương trình đào tạo Luật sư: Người có Bằng cử nhân luật được tham dự khóa đào tạo nghề luật sư tại cơ sở đào tạo nghề luật sư.

Lớp học được đăng ký tại Học viện tư pháp (quy định hiện hành được học trong 12 tháng), sau đó đạt kết quả qua kỳ thi tốt nghiệp của Học viện tư pháp. Người hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư được cơ sở đào tạo nghề luật sư cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư.

Tập sự hành nghề Luật sư:

Khoản 1 Điều 14 Luật Luật sư quy định người có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư được tập sự hành nghề tại tổ chức hành nghề luật sư. Thời gian tập sự hành nghề luật sư là mười hai tháng, thời gian tập sự hành nghề luật sư được tính từ ngày đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư.

Điều 16 Luật Luật sư quy định người được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư gồm:

– Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật được miễn tập sự hành nghề luật sư.

– Người đã là điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật được giảm hai phần ba thời gian tập sự hành nghề luật sư.

– Người có thời gian công tác ở các ngạch chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên ngành Tòa án, kiểm tra viên ngành Kiểm sát từ mười năm trở lên thì được giảm một nửa thời gian tập sự hành nghề luật sư.

Kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư

Người tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư là người tập sự đã hoàn thành thời gian tập sự theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này. Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư xem xét, lập danh sách những người đủ điều kiện tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư gửi Liên đoàn luật sư Việt Nam.

Sau khi hoàn thành thời gian tập sự, người tập sự được tham gia kỳ kiểm tra hết tập sự hành nghề Luật sư và nếu đạt điểm thì được cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư.

Nếu không đạt điểm theo quy định thì được gia hạn tập sự và tham gia kỳ kiểm tra lại. Và nếu kỳ kiểm tra lại vẫn chưa đạt điểm qua thì người tập sự hành nghề Luật sư phải đăng ký tập sự lại từ đầu (12 tháng nữa).

Cấp Chứng chỉ, gia nhập, cấp thẻ hành nghề Luật sư

Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư có hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư. Chứng chỉ hành nghề Luật sư do Bộ tư pháp cấp, cấp thẻ hành nghề Luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp.

Hành nghề Luật sư:

Sau khi được cấp chứng chỉ, gia nhập đoàn, cấp thẻ hành nghề Luật sư thì Luật sư được lựa chọn tổ chức hành nghề Luật sư để hành nghề, hoặc hành nghề với tư cách cá nhân và phải đăng ký với Sở tư pháp địa phương nơi hành nghề.

Để trở thành luật sư là cả một con đường dài nhiều khó khăn, thử thách và gian nan, đòi hỏi người luật sư phải có lòng đam mê, tinh thần, ý chí vững vàng và tình yêu với nghề nghiệp. Nghề nào cũng có cái khó riêng, quan trọng là mỗi người có ước mơ và cố gắng hết sức để hoàn thành ước mơ của mình.