Luật Sư Chuyên Giải Quyết Tranh Chấp Đất Đai, Nhà Cửa

KHỞI KIỆN ĐÒI LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT BỊ CHIẾM GIỮ TRÁI LUẬT

Posted on Tháng 01 07, 2025 by admin

Hiện nay, có nhiều trường hợp chủ sử dụng đất mặc dù đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng giấy chứng nhận này lại bị người khác nắm giữ, quản lý. Sau đây, công ty Luật Đạt Điền sẽ giải đáp thắc mắc đến bạn đọc về việc khởi kiện đòi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị chiếm giữ trái pháp luật.

Khởi kiện đòi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị chiếm giữ trái pháp luật.

Xác định thẩm quyền tòa án

Theo hướng dẫn tại tiểu mục 2 mục 4, Công văn 02/TANDTC-PC do Tòa án Nhân dân tối cao ban hành ngày 02/8/2021, TAND tối cao giải đáp:

  • Khoản 8 Điều 6 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định: “Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”. Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005 quy định giấy tờ có giá là: Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc.
  • Khoản 16 Điều 3 của Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”. Mục 1 Phần I Công văn số 02/GĐ-TANDTC ngày 19-9-2016 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề về tố tụng hành chính, tố tụng dân sự hướng dẫn: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định hành chính; nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính”. Theo đó, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định hành chính, không phải là “bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ” cho nên không phải là giấy tờ có giá. Do vậy, hướng dẫn tại Công văn số 141/TANDTC-KHXX xác định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là giấy tờ có giá vẫn phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015 và các pháp luật khác đang có hiệu lực.
  • Điều 164 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”

Như vậy, nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chấm dứt hành vi cản trở thực hiện quyền của người sử dụng đất thì Tòa án nhân dân sẽ thụ lý giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

Theo Điều 35 BLTTDS 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc sẽ có thẩm quyền thụ lý và giải quyết (Nếu đương sự ở nước ngoài thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết).

Thẩm quyền của Tòa án về việc đòi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

Theo Điều 189 BLTTDS 2015 hồ sơ khởi kiện bao gồm:

  • Đơn khởi kiện (Mẫu số 23 – DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP do Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành ngày 13/01/2017)
  • Giấy tờ tùy thân
  • Tài liệu chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện (ví dụ: Giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993; Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất; Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ; Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền;

Điều kiện thụ lý của tòa án

Theo hướng dẫn tại tiểu mục 2 mục 4, Công văn 02/TANDTC-PC do Tòa án Nhân dân tối cao ban hành ngày 02/8/2021, điều kiện để thụ lý vụ án bao gồm:

  • Thứ nhất, là phải có yêu cầu của chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản.
  • Thứ hai, hồ sơ khởi kiện đáp ứng đầy đủ theo Điều 189 BLTTDS 2015.
  • Người khởi kiện không thuộc diện trường hợp trả lại đơn khởi kiện quy định tại 192 BLTTDS 2015 và Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP do Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành ngày 05/05/2017

Thời hạn giải quyết

Sơ thẩm:

  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện có đủ điều kiện thụ lý hay không. Đồng thời, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện để người khởi kiện đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Khi đó, Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án và giải quyết vụ án theo đúng trình tự pháp luật.
  • Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 203 thì thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm là 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.

Phúc thẩm:

  • Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý, thông báo bằng văn bản cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án.
  • Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm và phân công một Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa.
  • Trong vòng 2 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa có thể đưa ra quyết định tạm đình chỉ xét xử, đình chỉ xét xử hoặc đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Quyết định này dựa trên kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án đã được xét xử ở cấp sơ thẩm.

Chi phí tố tụng cần chuẩn bị

Căn cứ Chương IX, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 theo đó, khi tham gia vụ án dân sự sẽ có các chi phí tố tụng cần chuẩn bị sau đây:

  • Tiền tạm ứng án phí gồm tiền tạm ứng án phí sơ thẩm và tiền tạm ứng án phí phúc thẩm;
  • Án phí bao gồm án phí sơ thẩm và án phí phúc thẩm;
  • Tiền tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài;
  • Tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ;
  • Tiền tạm ứng chi phí giám định, chi phí giám định;
  • Tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản, chi phí định giá tài sản;
  • Chi phí cho người làm chứng;
  • Chi phí cho người phiên dịch, Luật sư.

Tuy nhiên, căn cứ vào từng hồ sơ vụ án khác nhau mà chi phí tố tụng sẽ có hoặc không có một số nội dung nêu trên.

Chi phí tố tụng cần chuẩn bị

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến Hướng dẫn khởi kiện đòi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị chiếm giữ trái pháp luật? Nếu như bạn có nhu cầu hỗ trợ gửi tài liệu hoặc yêu cầu đặt lịch luật sư tư vấn vui lòng trao đổi thông qua tổng đài 0966456678 , Luật Đạt Điền hy vọng có thể giúp đỡ được nhiều người với nhiều nhu cầu dịch vụ pháp lý khác nhau.