Theo Điều 6 Luật Phòng, chống ma túy 2021 quy định về trách nhiệm của cá nhân, gia đình trong việc phòng, chống ma túy cụ thể như sau:
“Điều 6. Trách nhiệm của cá nhân, gia đình
1. Tuyên truyền, giáo dục thành viên trong gia đình, người thân về tác hại của ma túy và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy; quản lý, ngăn chặn thành viên trong gia đình vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.
2. Thực hiện đúng chỉ định của người có thẩm quyền về sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
3. Hợp tác với cơ quan chức năng trong đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy; tham gia hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; theo dõi, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện ma túy.
4. Cung cấp kịp thời thông tin về tội phạm, tệ nạn ma túy và việc trồng cây có chứa chất ma túy cho cơ quan công an hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tham gia xóa bỏ cây có chứa chất ma túy do chính quyền địa phương tổ chức.”
Trường hợp nào phải đi cai nghiện ma túy bắt buộc
Căn cứ theo Điều 32 Luật Phòng, chống ma túy 2021 quy định về đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như sau:
“Điều 32. Đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;
2. Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
3. Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện;
4. Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.”
Như vậy, đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên khi thuộc một trong các trường hợp được quy định trên đây thì sẽ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy 2021, đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thì sẽ bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;
– Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
– Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện.
Tại khoản 1 Điều 69 Nghị định 116/2021/NĐ-CP quy định về chế độ thăm gặp người thân, nhận, gửi thư, nhận tiền, quà của người cai nghiện như sau:
“1. Người cai nghiện được thăm gặp người thân tại phòng thăm gặp của cơ sở cai nghiện bắt buộc, một tuần một lần, mỗi lần không quá 02 giờ và tối đa không quá 03 thân nhân. Trường hợp gặp lâu hơn phải được Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc đồng ý và tối đa không quá 04 giờ.
Người cai nghiện có vợ hoặc chồng, được Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc xem xét, cho phép thăm gặp tại phòng riêng của cơ sở cai nghiện bắt buộc một lần trong tháng và tối đa không quá 48 giờ cho một lần gặp. Căn cứ quy mô và điều kiện, cơ sở cai nghiện xây dựng, tổ chức phòng riêng để học viên thăm gặp vợ hoặc chồng.”
Theo đó, người cai nghiện ma túy sẽ được gặp người thân của mình một tuần một lần, mỗi lần không quá 02 giờ và tối đa không quá 03 người thân. Trường hợp gặp lâu hơn thì phải được Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc đồng ý và tối đa không quá 04 giờ.