Thi hành án hình sự là gì? Thẩm quyền, thời hiệu thi hành án hình sự?

Posted on Tháng 12 30, 2024 by admin

Thi hành án hình sự là gì? Thẩm quyền và thời hiệu thi hành án hình sự?

Thi hành án hình sự là một trong những hoạt động phức tạp, là khâu quan trọng  đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án được thi hành trên thực tế, góp phần thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Chính vì ý nghĩa đó, pháp luật đã có các quy định nhằm giới hạn chủ thể có thẩm quyền thi hành án cũng như thời hạn thi hành án- đây là cơ sở pháp lý vững chắc nhằm giúp hoạt động thi hành án hình sự được thực hiện một cách hợp pháp và hợp lí.

Cơ sở pháp lý:

– Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

1. Thi hành án hình sự là gì?

Thi hành án hình sự là hoạt động tố tụng hình sự cuối cùng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Công tác điều tra, truy tố, xét xử là rất quan trọng và quyết định hình phạt của Tòa án chỉ là sự đánh giá, sự lên án của Nhà nước đối với hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện. Nếu chỉ dừng lại ở mức đánh giá, lên án mà không thực hiện bằng các biện pháp mang tính cưỡng chế đặc trưng của quyền lực Nhà nước thì tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa và tính chịu hình phạt hạn chế, thậm chí không có tác dụng. Chính vì vậy, pháp luật hình sự đã có những quy định cụ thể về thi hành án hình sự nhằm đảm bảo việc thi hành án nghiêm túc các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay.

Như vậy, Thi hành án hình sự là việc đưa các bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật ra thi hành trên thực tế.

Thi hành án hình sự điển hình là việc thi hành các quyết định về hình phạt:

– Thi hành án phạt tù là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân phải chịu sự quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo.

– Thi hành án tử hình là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này tước bỏ tính mạng của người bị kết án tử hình.

– Thi hành án treo là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này giám sát, giáo dục người bị kết án phạt tù được hưởng án treo trong thời gian thử thách.

– Thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách.

– Thi hành án phạt cải tạo không giam giữ là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này giám sát, giáo dục người chấp hành án tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập; khấu trừ một phần thu nhập sung quỹ nhà nước, giám sát việc thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

– Thi hành án phạt cấm cư trú là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc người chấp hành án không được tạm trú, thường trú ở một số địa phương nhất định theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

– Thi hành án phạt quản chế là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc người chấp hành án phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và Nhân dân địa phương theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

– Thi hành án phạt trục xuất là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc người chấp hành án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

– Thi hành án phạt tước một số quyền công dân là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật này tước một hoặc một số quyền công dân của người chấp hành án theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

– Thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định là việc cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc người chấp hành án không được đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

– Thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội hoặc người đang chấp hành án mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình phải điều trị tại cơ sở chữa bệnh bắt buộc theo quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát.

– Thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này đưa người dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng để giáo dục theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Thi hành án hình sự trong Tiếng anh là “Execution of Criminal judgments”.

2. Thẩm quyền và thời hiệu thi hành án hình sự:

Hệ thống tổ chức thi hành án hình sự bao gồm:

– Cơ quan quản lý thi hành án hình sự bao gồm:

+ Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an;

+ Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.

– Cơ quan thi hành án hình sự bao gồm:

– Trại giam thuộc Bộ Công an, trại giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại giam thuộc quân khu (sau đây gọi là trại giam);

– Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh);

– Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện);

– Cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu).

– Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự bao gồm:

+ Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, trại tạm giam cấp quân khu (sau đây gọi là trại tạm giam);

+ Ủy ban nhân dân cấp xã;

+  Đơn vị quân đội cấp trung đoàn và tương đương (sau đây gọi là đơn vị quân đội).

Đối với thi hành án phạt tù.

Trường hợp người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam phải tống đạt quyết định thi hành án cho người bị kết án và báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc trại tạm giam thuộc Bộ Công an, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an ra quyết định đưa người chấp hành án đi chấp hành án.

Trường hợp người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam tại trại tạm giam cấp quân khu thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, trại tạm giam phải tống đạt quyết định thi hành án cho người bị kết án và báo cáo cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu hoặc trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng ra quyết định đưa người chấp hành án đi chấp hành án.

Đối với thi hành án tử hình.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải có văn bản cử đại diện lãnh đạo tham gia Hội đồng thi hành án tử hình.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản cử đại diện lãnh đạo tham gia Hội đồng thi hành án tử hình của các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình.

Đối với thi hành án treo.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án treo, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải triệu tập người được hưởng án treo, người đại diện trong trường hợp người được hưởng án treo là người dưới 18 tuổi đến trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, đơn vị quân đội nơi người đó làm việc để cam kết việc chấp hành án

Trước khi hết thời gian thử thách 03 ngày, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục bàn giao hồ sơ giám sát, giáo dục cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.

Thi hành án phạt cảnh cáo.

Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải gửi bản án cho người bị phạt cảnh cáo, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội nơi người bị phạt cảnh cáo cư trú hoặc làm việc, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm có trụ sở.

Đối với thi hành án phạt cải tạo không giam giữ.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải triệu tập người chấp hành án, người đại diện trong trường hợp người chấp hành án là người dưới 18 tuổi đến trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, đơn vị quân đội nơi người đó làm việc để cam kết việc chấp hành án.

Trước khi hết thời gian chấp hành án 03 ngày, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục bàn giao hồ sơ giám sát, giáo dục cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.