Em ơi cho chị hỏi: tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài có được hoạt động tại Việt Nam không? Nếu được thì cần đáp ứng những điều kiện như thế nào? Đây là câu hỏi của chị Ngân Anh đến từ Thanh Hóa.
Căn cứ theo Điều 68 Luật Luật sư 2006, được sửa đổi bởi khoản 25 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định như sau:
Điều kiện hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài
Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài đã được thành lập và đang hành nghề luật sư hợp pháp tại nước ngoài được phép hành nghề tại Việt Nam theo quy định của Luật này khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Cam kết và bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
2. Cam kết và bảo đảm có ít nhất hai luật sư nước ngoài, kể cả Trưởng chi nhánh, Giám đốc công ty luật nước ngoài có mặt và hành nghề tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong khoảng thời gian liên tục mười hai tháng;
3. Trưởng chi nhánh, Giám đốc công ty luật nước ngoài tại Việt Nam phải có ít nhất hai năm liên tục hành nghề luật sư.
Như vậy tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài được hoạt động tại Việt Nam nếu đáp ứng được các điều kiện như trên.
Tổ chức hành nghề luật sư
Căn cứ theo khoản 1 Điều 69 Luật Luật sư 2006, được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định như sau:
Hình thức hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài
1. Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam dưới các hình thức sau đây:
a) Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài (sau đây gọi là chi nhánh);
b) Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh, công ty luật hợp danh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam (sau đây gọi chung là công ty luật nước ngoài).
2. Chi nhánh, công ty luật nước ngoài được tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật này, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Chính phủ quy định việc hợp nhất, sáp nhập các công ty luật nước ngoài cùng loại; chuyển đổi chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài thành công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài; chuyển đổi công ty luật nước ngoài thành công ty luật Việt Nam; tạm ngừng, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.
Như vậy tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam dưới những hình thức sau:
– Chi nhánh:
+ Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài (sau đây gọi là chi nhánh);
– Công ty luật nước ngoài:
+ Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài;
+ Công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh;
+ Công ty luật hợp danh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài;
+ Công ty luật hợp danh Việt Nam.
Căn cứ theo Điều 70 Luật Luật sư 2006, được sửa đổi bởi khoản 27 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định như sau:
Phạm vi hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài
Chi nhánh, công ty luật nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác, không được cử luật sư nước ngoài và luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án Việt Nam hoặc thực hiện các dịch vụ về giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan tới pháp luật Việt Nam, được cử luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tư vấn pháp luật Việt Nam.
Như vậy tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam không được luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình thực hiện những công việc sau:
– Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án Việt Nam
– Thực hiện các dịch vụ về giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan tới pháp luật Việt Nam, được cử luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tư vấn pháp luật Việt Nam.
Xem văn bản hợp nhất các quy định được sửa đổi bổ sung nêu trên tại Văn bản hợp nhất 03/VBHN-VPQH năm 2015 hợp nhất Luật luật sư do Văn phòng Quốc hội ban hành. (Lưu ý văn bản hợp nhất không phải là văn bản quy phạm pháp luật, không được dùng làm căn cứ).