Việc tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập hàng hóa rất phổ biến hiện nay. Vậy thế nào là tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập hàng hóa? Hãy cùng Vpls Đạt Điền tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây:
Luật sư tư vấn:
Tạm nhập, tái xuất hàng hóa là việc hàng hoá được đưa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật vào Việt Nam, có làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hoá đó ra khỏi Việt Nam.
Tạm nhập có thể hiểu nghĩa đơn thuần là việc nhập khẩu hàng hóa trong một thời gian ngắn hạn (“tạm”) vào lãnh thổ Viêt Nam. Thông thường, hàng hóa sau khi được nhập khẩu vào một quốc gia thì sẽ được lưu lại tại quốc gia đó để phân phối ra thị trường hoặc phục vụ cho một mục đích nhất định của doanh nghiệp nhập khẩu trong sản xuất kinh doanh và có lưu thông trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, với trường hợp tạm nhập thì hàng hóa nhập khẩu không nhằm mục đích cho lưu thông tại thị trường Việt Nam mà sau một thời gian ngắn được xuất khẩu sang nước thứ ba.
Tái xuất là quá trình tiếp sau của tạm nhập. Sau khi hàng hóa được làm thủ tục thông quan, nhập khẩu vào Việt Nam thì sẽ được xuất khẩu lại tới một quốc gia khác. Bản chất, hàng hóa này được xuất khẩu hai lần, xuất khẩu đi từ nước đầu tiên sau đó tạm nhập khẩu vào Việt Nam và lại xuất khẩu sang một nước khác nên gọi là tái xuất.
Như vậy, căn cứ theo quy định tại Luật Hải quan năm 2014 và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP, khái niệm tạm nhập tái xuất được hiểu là việc một thương nhân Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ một quốc gia, được làm đầy đủ thủ tục thông quan nhập khẩu vào Việt Nam, sau đó thương nhân Việt Nam làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hóa đã nhập khẩu này sang một quốc gia khác hoặc có thể là chính quốc gia đã xuất khẩu ban đầu. Đồng thời, hàng hóa tạm nhập tái xuất này theo hình thức kinh doanh thì có thời gian lưu lại tại Việt Nam là không quá 60 ngày kể từ thời điểm thương nhân Việt Nam làm thủ tục tạm nhập qua khu vực hải quan.
Theo Điều 13 Nghị định 69/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương:
– Thương nhân Việt Nam được quyền kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh theo các quy định sau:
+ Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện, thương nhân phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Mục 2 Chương.
+ Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ trường hợp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định này.
+ Trường hợp hàng hóa không thuộc quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này, thương nhân thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất tại cơ quan hải quan.
Thương nhân được tạm xuất, tái nhập hàng hóa để sản xuất, thi công, cho thuê, cho mượn hoặc để sử dụng vì mục đích khác theo các quy định sau:
+ Đối với hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ Giấy phép xuất khẩu tự động, Giấy phép nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép tạm xuất, tái nhập. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định 69/2018/NĐ-CP.
+ Trường hợp hàng hóa không thuộc quy định trên, thương nhân thực hiện thủ tục tạm xuất, tái nhập tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm xuất, tái nhập.
– Thương nhân được tạm xuất, tái nhập hàng hóa còn trong thời hạn bảo hành theo hợp đồng nhập khẩu hoặc theo hợp đồng, thỏa thuận bảo hành ký với nước ngoài để phục vụ mục đích bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa. Thủ tục tạm xuất, tái nhập thực hiện tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm xuất, tái nhập.
– Trường hợp hàng hóa không còn trong thời hạn bảo hành theo hợp đồng nhập khẩu hoặc theo hợp đồng, thỏa thuận bảo hành, việc tạm xuất, tái nhập ra nước ngoài để bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa thực hiện theo quy định sau:
+ Đối với hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ Giấy phép xuất khẩu tự động, Giấy phép nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép tạm xuất, tái nhập. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định này.
+ Hàng tiêu dùng đã qua sử dụng; linh kiện, phụ tùng đã qua sử dụng thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu không được phép tạm xuất ra nước ngoài để bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa.
+ Trường hợp hàng hóa không thuộc quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này, thương nhân thực hiện thủ tục tạm xuất, tái nhập tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm xuất, tái nhập.
– Thương nhân được tạm xuất, tái nhập hàng hóa ra nước ngoài để tham dự hội chợ, triển lãm thương mại. Thủ tục tạm xuất, tái nhập thực hiện tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm xuất, tái nhập.
Riêng hàng hóa cấm xuất khẩu chỉ được tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài khi được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Hướng dẫn thủ tục, chính sách thuế đối với trường hợp hàng hóa tạm xuất để sửa chữa nhưng không tái nhập, nhà cung nước ngoài cấp trả cho Công ty sản phẩm mới:
– Đối với hàng hóa đã tạm xuất nhưng không tái nhập: Thực hiện thủ tục xuất khẩu hàng hóa (mã loại hình B12- Xuất sau khi đã tạm xuất) tại Chi cục Hải quan nơi mở tờ khai tạm xuất theo quy định tại mục 5 chương III Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ. Trường hợp tờ khai được phân vào luồng đỏ thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định việc không kiểm tra thực tế hàng hóa.
– Đối với hàng hóa mới nhập về để thay thế: Thực hiện thủ tục nhập khẩu (không phải tái nhập) hàng hóa thông thường quy định tại mục 5 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015, đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ và Thông tư số 38/2015/TT- BTC ngày 25/3/2015, Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính.
– Chính sách thuế thực hiện theo quy định đối với từng loại hình xuất khẩu, nhập khẩu tương ứng tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Hướng dẫn về chính sách thuế và thủ tục đối với xe ô tô tạm nhập tái xuất.
– Thủ tục hải quan:
Căn cứ Điều 50 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 23 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ quy định về thủ tục hải quan đối với thiết bị, máy móc, phương tiện thi công, khuôn, mẫu tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập để sản xuất, thi công công trình, thực hiện dự án, thử nghiệm.
Căn cứ khoản 5 Điều 25 Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP quy định:
“…hàng hóa tạm nhập – tái xuất đã giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì phải khai tờ khai hải quan mới. Chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lỷ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu”.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp không thực hiện tái xuất mà giữ lại chiếc xe tại Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục hải quan thay đổi mục đích sử dụng đối với hàng hóa tạm nhập nhưng không tái xuất. Sau khi hoàn thành thủ tục thay đổi mục đích sử dụng, hàng hóa tạm nhập là tài sản thuộc quyền sở hữu của người tạm nhập.
– Chính sách thuế:
“Thực hiện thủ tục hải quan theo loại hình xuất khẩu, nhập khẩu tương ứng và thực hiện điều chỉnh tiền thuế của tờ khai hải quan cũ tương ứng với số hàng hóa thay đổi mục đích sau:…b) Trường hợp người nộp thuê đã nộp thuế của tờ khai hải quan cũ: Cơ quan hải quan ban hành Quyết định điều chỉnh giảm tiền thuế của tờ khai hải quan cũ, sau đó thực hiện hoàn thuế kiêm bù trừ giữa số tiền thuế của tờ khai hải quan cũ và số thuế của tờ khai hải quan mới (thực hiện xử lý tương tự như tiền thuế nộp thừa). Nếu số tiền thuế của tờ khai hải quan cũ ít hơn so với số tiền thuế phải nộp của tờ khai hải quan mới, người nộp thuế phải nộp bổ sung số tiền còn thiếu trước khi hoàn thành thủ tục chuyển tiêu thụ nội địa, nếu thừa thì cơ quan hải quan sẽ hoàn trả theo đúng quy định. Trình tự thực hiện bù trừ hoặc hoàn trả thực hiện theo Điều 132 Thông tư này.
Quyết định điều chỉnh thuế thực hiện theo mẫu số 03/QĐĐC/TXNK Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.
Thời hạn hoàn thuế kiêm bù trừ giữa số thuế của tờ khai hải quan cũ và số thuế của tờ khai hải quan mới thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 49 Thông tư này. Trong thời gian cơ quan hải quan xử lý hoàn thuế kiêm bù trừ giữa số thuế đã nộp của tờ khai hải quan cũ với số thuế của tờ khai hải quan mới người nộp thuế không bị tính chậm nộp tiền thuế”.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp không tái xuất xe ô tô đã tạm nhập thì phải khai tờ khai hải quan mới, chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới. Người tạm nhập thực hiện kê khai nộp thuế theo quy định trong đó số tiền thuế đã nộp trên tờ khai hải quan cũ được bù trừ với số tiền thuế phải nộp trên tờ khai hải quan mới theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Thông tư 38/2015/TT- BTC.